Cuộc đời sinh viên không ai lại không dưới một lần đặt chân đến các cơ sở kinh doanh xin làm việc bán thời gian. Đó trở thành nhu cầu thiết yếu của sinh viên trong giai đoạn hiện nay. Sinh viên trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Nha Trang cũng là một trong số đó.
Đến với công việc làm thêm, ai cũng đặt ra cho mình một lí do chính đáng. Đó có thể là trang trải tiền học phí, tiền phí sinh hoạt đang ngày một chạy đua với vật giá leo thang; đó cũng có thể đơn giản chỉ để giảm đi khoảng thời gian trống, nhàn rỗi trong quỹ thời gian học tập hay đơn giản hơn là để cọ xát với cuộc sống vốn phức tạp và xa lạ với cuộc sống sách vở. Lí do nào cũng đúng, cũng hoàn hảo cả và đều được các bạn sinh viên đón nhận nó như một lẽ dĩ nhiên của cuộc sống. Nhưng mấy ai biết được ẩn đằng sau những lí do tưởng như đơn giản đó là những câu chuyện chảy nước mắt.
Những ngày cuối cùng của môn học, tự nhiên, cậu sinh viên tôi yêu quý bỗng dưng vội vàng chạy như bay ra khỏi lớp học. Đem sự ngạc nhiên đó truy hỏi, tôi được biết em đã xin một chân chạy bàn trong một quán nhậu mới mở, vì thế, cứ đến khoảng 4h45 là em phải chạy đua với thời gian cho kịp việc làm. Đem thắc mắc hỏi lí do đi làm thêm, em nhìn tôi, ánh mắt ánh lên chút buồn bã nhưng biến mất rất nhanh, như sợ tôi phát hiện ra. Em nói: “Em đi làm để phụ thêm tiền sinh hoạt phí, cô à”. Tôi cười cười: “tình phí tốn quá phải không”? Em đáp nhanh như sợ tôi hiểu sai điều gì đó: “Không phải cô à! Cô thấy em trời lạnh thế này còn không có áo ấm để mặc, lấy đâu ra tình phí để chi trả, cô”?
Đúng! Hoàn cảnh gia đình em không phải giàu có, em lại là lao động chính của gia đình, sau em là những đứa em đang tuổi ăn tuổi lớn. Cuộc sống không dễ dàng cho cậu sinh viên luôn mang trong mình ánh mắt đăm chiêu khiến tôi nhói đau. Giá như, em có thể vô tư như tất cả các bạn khác, ánh mắt em, nụ cười em hẳn sẽ rạng ngời hơn bao giờ hết, và có lẽ, những giây phút lặng lẽ trong em sẽ không còn xuất hiện mỗi khi nghe tôi kể chuyện về quãng đường sinh viên tươi đẹp của mình. Tôi đã vô tình chạm vào nỗi đau của em bằng chính những kí ức hạnh phúc.
Ngày họp lớp cuối năm, cô sinh viên có dáng người nhỏ nhắn thường hay khóc nhè mỗi khi không đạt được điểm số như ý đứng lên phân trần: “do phải đi làm thêm nên có những cuộc vui của lớp đều không tham gia được, mong các bạn thông cảm”. Ánh mắt em nửa như hối lỗi, nửa như van xin khiến tôi thấy xót xa. Nghèo không phải là cái tội, tại sao tất cả đều xem nó như một khiếm khuyết khiến cho cuộc sống của mình trở nên ngột ngạt đến vậy? Chợt nhớ đến giọng hát tha thiết của Quang Linh khi kể chuyện “đời sinh viên”:
“Bạn tôi sáng nhịn ăn lên giảng đường
Bạn tôi sáng đạp xe 20 cây số
Thằng đi dạy thêm, đứa làm tiếp thị
Thằng làm quán cơm, tối về một gói mì tôm.
Tối về kể chuyện nhau nghe,
Chuyện buồn vui ngày tháng xa nhà
Tối về giọng Bắc Trung Nam
Chia cùng điếu thuốc, sớt chuyện vui buồn
Miền Tây nước lớn, đứng ngồi không yên
Miền Trung lũ lụt, suốt đêm không ngủ
Chúng tôi vào đại học, niềm vui chưa dứt
Bao nỗi âu lo, dáng mẹ gầy hơn trước
Tóc bà thêm sợi bạc, chiều nay tin bão phương xa,
Lòng con chua xót...
Con chưa về, chưa về lòng thắt cơn đau” (Bạn tôi)
Dù chưa một lần bước chân vào đại học, hay đã, đang và sẽ tiến đến cuộc đời sinh viên, khi nghe bài hát này, khó ai có thể cưỡng lại sự nhói lòng. Những ai đã và đang là người trong cuộc, hẳn nước mắt sẽ rơi cho sự vất vả cực nhọc của mẹ, của cha khi chạy ăn từng bữa kiếm tiền trang trải cho sự nghiệp học hành của con. Cũng không ít người phải rớt nước mắt vì những đêm bụng đói cồn cào, lòng nhói đau khi nghĩ về ngày mai, hình ảnh sợi mì tôm lại hiện diện trong đầu. Đã có lúc nhìn thấy gói mì tôm, những ổ bánh mì tôi đã phải ngoảnh mặt chạy trốn chỉ đơn giản vì nó quá ám ảnh với chính cuộc sống của mình. Giờ đây, khi nhìn sinh viên của mình cũng đang trong tình trạng đó, tôi như thấy hình ảnh mình 12 năm về trước. Nước mắt không rơi mà sao thấy ướt cả tâm hồn đến vậy.
Nhưng cũng không ít người chưa một lần nếm trải vị đắng của mì tôm, chưa một lần biết đến sự khổ cực của việc kiếm được đồng tiền mồ hôi nước mắt sẽ thấy tò mò, muốn khám phá thử một lần cho biết để rồi phải lùi bước trên con đường vừa mới đặt chân vào. Dù sao, các bạn vẫn chỉ là những đứa trẻ to xác cần đến sự bảo bọc của gia đình. Cuộc sống vẫn là màu hồng trong mắt các bạn, vậy, cần chi đến sự khổ cực xa lạ kia, cần làm gì đến cái gọi là trải nghiệm cuộc sống vốn cần hơn bao giờ hết cho quãng đường phía sau của bạn?
Đã qua mấy mùa hè phải ở lại để phụ gia đình kiếm tiền trang trải học phí, việc ở thêm một cái tết nữa, có lẽ, đối với TH không gì khó cả. Song, tôi cảm thấy như chính mình đang để mất điều gì đó. Theo phong tục cổ truyền, tết là lúc gia đình sum họp, đoàn tụ, quây quần bên mâm cơm, ngồi ôn lại những buồn vui trong một năm để đón chào những may mắn sẽ đến trong năm mới. Vậy mà em, “tết nay con không về”. Công việc có thể khiến em lãng quên, nhưng liệu em có đủ can đảm để quên đi những giọt nước mắt vốn luôn dư thừa trong em? Chợt nhớ, những ngày theo bạn phụ bán hoa trong mấy ngày cận tết, nhớ tiếng khóc dấm dứt của bạn khi tiếng chuông gióng lên thời khắc giao thừa đã điểm, nhớ tiếng hát nghẹn ngào của ai đó khi nhớ về mẹ… Kí ức xa vời mà sao sống động đến vậy?
Càng gần đến ngày cuối năm, việc sinh viên đi làm thêm càng nhiều. Đâu đâu cũng thấy biển quảng cáo tuyển người làm thêm. Với nhiều sinh viên, đếm ngày trở về nhà như một thú vui trong những ngày này, nhưng không ít sinh viên, ngày như dài thêm ra. Nhờ đó, họ có thể kiếm thêm ít tiền để về quê mua cho em tấm áo mới, để được nhìn thấy nụ cười tươi của cha khi cầm trên tay món quà bé nhỏ của đứa con đi học xa nhà và lời mắng yêu thương của mẹ khi đón nhận vòng tay âu yếm của con. Đó có lẽ là động lực lớn nhất để các em quên đi mệt nhọc, quên rằng tết đang đến gần, quên rằng bạn bè đang lo sắm sửa nhộn nhịp, đang tíu tít khoe những bộ quần áo đẹp, những món quà hấp dẫn. Dù sao, với các em, tết vẫn luôn là cơ hội tốt để cuộc sống mình dễ dàng hơn rất nhiều trong những ngày sau đó.
Một ngày mới lại đến, một mùa xuân mới đang về. Đằng sau những cánh hoa mai đang khoe sắc vàng kia, có bóng dáng em tôi đang lặng lẽ làm việc, cũng có cả tiếng cười khẽ khẽ của em khi ngày về đang đến gần. Ước gì, ngày cứ dài thêm mãi, đêm sẽ ấm dần lên và tết như ngọt ngào hơn. Và em tôi sẽ cười nhiều hơn bao giờ hết trong mùa xuân mới này.
Nguyễn Thị Phong Lê
Đến với công việc làm thêm, ai cũng đặt ra cho mình một lí do chính đáng. Đó có thể là trang trải tiền học phí, tiền phí sinh hoạt đang ngày một chạy đua với vật giá leo thang; đó cũng có thể đơn giản chỉ để giảm đi khoảng thời gian trống, nhàn rỗi trong quỹ thời gian học tập hay đơn giản hơn là để cọ xát với cuộc sống vốn phức tạp và xa lạ với cuộc sống sách vở. Lí do nào cũng đúng, cũng hoàn hảo cả và đều được các bạn sinh viên đón nhận nó như một lẽ dĩ nhiên của cuộc sống. Nhưng mấy ai biết được ẩn đằng sau những lí do tưởng như đơn giản đó là những câu chuyện chảy nước mắt.
Những ngày cuối cùng của môn học, tự nhiên, cậu sinh viên tôi yêu quý bỗng dưng vội vàng chạy như bay ra khỏi lớp học. Đem sự ngạc nhiên đó truy hỏi, tôi được biết em đã xin một chân chạy bàn trong một quán nhậu mới mở, vì thế, cứ đến khoảng 4h45 là em phải chạy đua với thời gian cho kịp việc làm. Đem thắc mắc hỏi lí do đi làm thêm, em nhìn tôi, ánh mắt ánh lên chút buồn bã nhưng biến mất rất nhanh, như sợ tôi phát hiện ra. Em nói: “Em đi làm để phụ thêm tiền sinh hoạt phí, cô à”. Tôi cười cười: “tình phí tốn quá phải không”? Em đáp nhanh như sợ tôi hiểu sai điều gì đó: “Không phải cô à! Cô thấy em trời lạnh thế này còn không có áo ấm để mặc, lấy đâu ra tình phí để chi trả, cô”?
Đúng! Hoàn cảnh gia đình em không phải giàu có, em lại là lao động chính của gia đình, sau em là những đứa em đang tuổi ăn tuổi lớn. Cuộc sống không dễ dàng cho cậu sinh viên luôn mang trong mình ánh mắt đăm chiêu khiến tôi nhói đau. Giá như, em có thể vô tư như tất cả các bạn khác, ánh mắt em, nụ cười em hẳn sẽ rạng ngời hơn bao giờ hết, và có lẽ, những giây phút lặng lẽ trong em sẽ không còn xuất hiện mỗi khi nghe tôi kể chuyện về quãng đường sinh viên tươi đẹp của mình. Tôi đã vô tình chạm vào nỗi đau của em bằng chính những kí ức hạnh phúc.
Ngày họp lớp cuối năm, cô sinh viên có dáng người nhỏ nhắn thường hay khóc nhè mỗi khi không đạt được điểm số như ý đứng lên phân trần: “do phải đi làm thêm nên có những cuộc vui của lớp đều không tham gia được, mong các bạn thông cảm”. Ánh mắt em nửa như hối lỗi, nửa như van xin khiến tôi thấy xót xa. Nghèo không phải là cái tội, tại sao tất cả đều xem nó như một khiếm khuyết khiến cho cuộc sống của mình trở nên ngột ngạt đến vậy? Chợt nhớ đến giọng hát tha thiết của Quang Linh khi kể chuyện “đời sinh viên”:
“Bạn tôi sáng nhịn ăn lên giảng đường
Bạn tôi sáng đạp xe 20 cây số
Thằng đi dạy thêm, đứa làm tiếp thị
Thằng làm quán cơm, tối về một gói mì tôm.
Tối về kể chuyện nhau nghe,
Chuyện buồn vui ngày tháng xa nhà
Tối về giọng Bắc Trung Nam
Chia cùng điếu thuốc, sớt chuyện vui buồn
Miền Tây nước lớn, đứng ngồi không yên
Miền Trung lũ lụt, suốt đêm không ngủ
Chúng tôi vào đại học, niềm vui chưa dứt
Bao nỗi âu lo, dáng mẹ gầy hơn trước
Tóc bà thêm sợi bạc, chiều nay tin bão phương xa,
Lòng con chua xót...
Con chưa về, chưa về lòng thắt cơn đau” (Bạn tôi)
Dù chưa một lần bước chân vào đại học, hay đã, đang và sẽ tiến đến cuộc đời sinh viên, khi nghe bài hát này, khó ai có thể cưỡng lại sự nhói lòng. Những ai đã và đang là người trong cuộc, hẳn nước mắt sẽ rơi cho sự vất vả cực nhọc của mẹ, của cha khi chạy ăn từng bữa kiếm tiền trang trải cho sự nghiệp học hành của con. Cũng không ít người phải rớt nước mắt vì những đêm bụng đói cồn cào, lòng nhói đau khi nghĩ về ngày mai, hình ảnh sợi mì tôm lại hiện diện trong đầu. Đã có lúc nhìn thấy gói mì tôm, những ổ bánh mì tôi đã phải ngoảnh mặt chạy trốn chỉ đơn giản vì nó quá ám ảnh với chính cuộc sống của mình. Giờ đây, khi nhìn sinh viên của mình cũng đang trong tình trạng đó, tôi như thấy hình ảnh mình 12 năm về trước. Nước mắt không rơi mà sao thấy ướt cả tâm hồn đến vậy.
Nhưng cũng không ít người chưa một lần nếm trải vị đắng của mì tôm, chưa một lần biết đến sự khổ cực của việc kiếm được đồng tiền mồ hôi nước mắt sẽ thấy tò mò, muốn khám phá thử một lần cho biết để rồi phải lùi bước trên con đường vừa mới đặt chân vào. Dù sao, các bạn vẫn chỉ là những đứa trẻ to xác cần đến sự bảo bọc của gia đình. Cuộc sống vẫn là màu hồng trong mắt các bạn, vậy, cần chi đến sự khổ cực xa lạ kia, cần làm gì đến cái gọi là trải nghiệm cuộc sống vốn cần hơn bao giờ hết cho quãng đường phía sau của bạn?
Đã qua mấy mùa hè phải ở lại để phụ gia đình kiếm tiền trang trải học phí, việc ở thêm một cái tết nữa, có lẽ, đối với TH không gì khó cả. Song, tôi cảm thấy như chính mình đang để mất điều gì đó. Theo phong tục cổ truyền, tết là lúc gia đình sum họp, đoàn tụ, quây quần bên mâm cơm, ngồi ôn lại những buồn vui trong một năm để đón chào những may mắn sẽ đến trong năm mới. Vậy mà em, “tết nay con không về”. Công việc có thể khiến em lãng quên, nhưng liệu em có đủ can đảm để quên đi những giọt nước mắt vốn luôn dư thừa trong em? Chợt nhớ, những ngày theo bạn phụ bán hoa trong mấy ngày cận tết, nhớ tiếng khóc dấm dứt của bạn khi tiếng chuông gióng lên thời khắc giao thừa đã điểm, nhớ tiếng hát nghẹn ngào của ai đó khi nhớ về mẹ… Kí ức xa vời mà sao sống động đến vậy?
Càng gần đến ngày cuối năm, việc sinh viên đi làm thêm càng nhiều. Đâu đâu cũng thấy biển quảng cáo tuyển người làm thêm. Với nhiều sinh viên, đếm ngày trở về nhà như một thú vui trong những ngày này, nhưng không ít sinh viên, ngày như dài thêm ra. Nhờ đó, họ có thể kiếm thêm ít tiền để về quê mua cho em tấm áo mới, để được nhìn thấy nụ cười tươi của cha khi cầm trên tay món quà bé nhỏ của đứa con đi học xa nhà và lời mắng yêu thương của mẹ khi đón nhận vòng tay âu yếm của con. Đó có lẽ là động lực lớn nhất để các em quên đi mệt nhọc, quên rằng tết đang đến gần, quên rằng bạn bè đang lo sắm sửa nhộn nhịp, đang tíu tít khoe những bộ quần áo đẹp, những món quà hấp dẫn. Dù sao, với các em, tết vẫn luôn là cơ hội tốt để cuộc sống mình dễ dàng hơn rất nhiều trong những ngày sau đó.
Một ngày mới lại đến, một mùa xuân mới đang về. Đằng sau những cánh hoa mai đang khoe sắc vàng kia, có bóng dáng em tôi đang lặng lẽ làm việc, cũng có cả tiếng cười khẽ khẽ của em khi ngày về đang đến gần. Ước gì, ngày cứ dài thêm mãi, đêm sẽ ấm dần lên và tết như ngọt ngào hơn. Và em tôi sẽ cười nhiều hơn bao giờ hết trong mùa xuân mới này.
Nguyễn Thị Phong Lê