DIỄN ĐÀN svCDK NHA TRANG
Chào mừng bạn đến với diễn đàn Sinh Viên CD VHNT & DL Nha Trang
Bạn cần đăng kí để truy cập vào diễn đàn
sẽ không mất 10s để tạo 1 account cho bạn...chúc các bạn có giây phút online thử giản và bổ ích
DIỄN ĐÀN svCDK NHA TRANG
Chào mừng bạn đến với diễn đàn Sinh Viên CD VHNT & DL Nha Trang
Bạn cần đăng kí để truy cập vào diễn đàn
sẽ không mất 10s để tạo 1 account cho bạn...chúc các bạn có giây phút online thử giản và bổ ích
NoteĐóng lại
Lên đầu trang

You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Wed Jan 18, 2012 11:32 pm
#1
Earth
Earth
Cấp bậc: Admin
Status:
https://svcdk.forumvi.com
Ngày 9/1/1950, hàng triệu con tim đã hướng về đám tang của cậu học sinh trường Petrus Ký là Trần Văn Ơn – cậu học sinh 15 tuổi quê ở Bến Tre vì cố gắng giúp các bạn “vượt rào” trốn khỏi sự truy bắt của thực dân Pháp và bọn tay sai, đã mãi mãi nằm xuống trên con đường vươn tới “công bằng và tự do”. Tiếp gót theo các đàn anh đàn chị, giờ đây, thế hệ Hồ Chí Minh lại tiếp tục ghi thêm những cái tên vẻ vang của tuổi trẻ học đường trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước như Quách Thị Trang, Võ Thị Thắng, Lê Văn Ngọc, Lê Quang Vinh, Nguyễn Thái Bình… Tùy theo hoàn cảnh và tình hình chiến cuộc, mỗi người đã tự chọn cho mình một thứ vũ khí đấu tranh, một cách thể hiện phẩm chất và bản lĩnh của “con Lạc cháu Hồng”, người thì với “nụ cười quyết thắng” tin tưởng và ngày mai, ngày đất nước được độc lập, tự do; người thì hăng hái xông lên đấu tranh trực diện với quân thù; người thì lấy máu đỏ viết lên những dòng thơ đanh thép; người thì bị tù đày, chịu mọi cực hình nhưng vẫn bất khuất, kiên cường, tấm lòng “sáng tựa sao Khuê”.

Đã hơn 60 năm trôi qua, bụi thời gian đã làm xóa mờ tất cả nhưng vẫn hình ảnh ấy, vẫn ngọn lửa ấy đã truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ con tim này đến muôn triệu con tim khác. Giờ đây, đất nước hoàn toàn độc lập, thống nhất, vẫn truyền thống đấu tranh hào hùng, bất khuất đó đã chuyển thành lòng yêu nước thời bình, thổi bùng lên sức sống mới góp phần cùng nhân dân cả nước xây dựng Việt Nam ngày càng giàu đẹp và phồn vinh.

Nhân kỷ niệm 62 năm Ngày Học sinh – Sinh viên Việt Nam, ôn lại “Phong trào đấu tranh của học sinh sinh viên Sài Gòn – Gia Định trong những năm kháng chiến chống Mỹ” sẽ giúp chúng ta sống lại những năm tháng hào hùng của tuổi trẻ học đường – những người đã góp một phần không nhỏ vào thắng lợi chung của cả dân tộc. Từ đó rút ra những bài học bổ ích phục vụ cho công cuộc đổi mới hiện nay.

Với chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954), Hiệp định Geneve được ký kết (20/7/1954) lập lại hòa bình ở xứ Đông Đương, công nhận độc lập, chủ quyền thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Riêng với Việt Nam, hiệp định quy định ngày tổng tuyển cử để thống nhất đất nước, chia thành hai miền Nam, Bắc lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới. Với âm mưu ngăn chặn “làn sóng đỏ” tràn xuống Đông Nam Á, đế quốc Mỹ tiến hành can thiệp, xâm lược và bành trướng chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam bằng hàng loạt chính sách cai trị phản động trên tất cả các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội.

Giáo dục là một trong năm hoạt động chủ yếu của cuộc xâm lược thực dân kiểu mới của đế quốc Mỹ: kinh tế tài chính, quân sự, tình báo, giáo điệp, tư tưởng, văn hóa, giáo dục. Những hoạt động trên đều có tác động lẫn nhau và đều có ảnh hưởng đến chính sách giáo dục thực dân kiểu mới.

Đối với Mỹ - Ngụy, nhà trường không chỉ là nơi đào tạo người phục vụ cho guồng máy chiến tranh mà còn là nơi lý tưởng nhất để tập trung thanh thiếu niên để bắt lính, đôn quân, gắn giáo dục với các hoạt động tâm lý chiến. Chúng tổ chức “cây mùa Xuân chiến sỹ”, “Hội người yêu của lính”, bắt nữ sinh viết thư động viên những quân nhân ở chiến trường, thậm chí trong sách giáo khoa bậc tiểu học đã có hình ảnh người “lính cộng hòa”, chính quyền Sài Gòn ban hành các sắc luật động viên, tổ chức huấn luyện quân sự học đường, đánh rớt hàng loạt học sinh, sinh viên để bắt lính, tạo cho thanh niên tâm lý xem đi lính như là một “nghĩa vụ”.

Phong trào đấu tranh của học sinh sinh viên Sài Gòn – Gia Định trong những năm “chiến tranh đơn phương” (1954 – 1960)

Sau Hiệp định Geneve, tình hình các trường học ở Sài Gòn – Gia Định có những biến động lớn: số lượng học sinh – sinh viên tăng lên ồ ạt do hòa bình lập lại và sự di cư dân số từ Bắc vào Nam; số trường học tăng lên do việc xây thêm trường mới và cũng có một số trường từ Hà Nội chuyển vào.

Để thích nghi tình hình trên, sau khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời (20/12/1960) đã đề ra chương trình đấu tranh: “bài trừ văn hóa và giáo dục nô dịch, cao bồi theo kiểu Mỹ, xây dựng một nền văn hóa giáo dục dân tộc tiến bộ, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân”; thành lập các Tiểu ban Giáo dục nhằm đào tạo, bổ túc cho nhân dân và cán bộ; tuyên truyền lối giáo dục mới tiến bộ và dân chủ, phát động phong trào đấu tranh đòi chuyển ngữ Việt và các quyền dân sinh, dân chủ khác.

Cuộc biểu dương lực lượng đầu tiên vào ngày 1/8/1954 của hơn 50.000 công nhân lao động, học sinh sinh viên và giáo chức ở chợ Cầu Muối hoan nghênh Hiệp định Geneve và đòi Mỹ - Diệm thả tù binh, tù chính trị.

Ngày1/5/1955, Nghiệp đoàn Giáo dục Tư thục Việt Nam tổ chức cuộc biểu tình kéo dài từ đường Tự Do (nay là Đồng Khởi) đến chợ Bến Thành. Ngày 20/7/1955, kỷ niệm một năm ngày ký Hiệp định Geneve, nhân dân lao động, học sinh – sinh viên… xuống đường yêu cầu nhà cầm quyền thi hành hiệp định, tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Cuộc đấu tranh ngày 1/5/1957 của công nhân lao động cùng với học sinh – sinh viên với hơn 278.000 người tham gia, xuống đường chống Mỹ - Diệm với khẩu hiệu “Thống nhất nước nhà bằng phương pháp hòa bình”, “Tăng lương cho công nhân viên chức”, “Giải quyết nạn thất nghiệp”.

Tháng 11/1957, học sinh các trường Cán sự Y tế, Phan Bội Châu, Đức Trí, Petrus Ký… tổ chức mittinh, kiến nghị đòi hủy bỏ Nghị định 451/GD, đòi ban hành tự do, dân chủ trong các trường học, đòi giải quyết nạn thiếu trường và chống chính sách đánh hỏng thi để bắt lính… với khí thế cách mạng ngút trời buộc chúng phải nhượng bộ, thực hiện những yêu sách mà cuộc biểu tình đã đưa ra.

Tháng 2/1958, học sinh – sinh viên Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn đấu tranh với ba khẩu hiệu: Dùng tiếng Việt làm chuyển ngữ ở bậc đại học; Giải quyết nạn thiếu trường thiếu lớp, nâng cao đời sống giáo chức, trợ cấp cho học sinh nghèo, nâng cao ngân sách giáo dục; Sửa đổi nội dung chương trình giảng dạy sao cho phù hợp với một nền giáo dục dân tộc, độc lập, tiến hành cải cách dân chủ trong nhà trường.

Vào ngày 9 tháng 1 hàng năm, học sinh đeo băng tang, từng lớp, từng nhóm ôn lại truyền thống đấu tranh của các anh chị học sinh trước đó. Nhiều lớp đã dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ đến tấm gương hy sinh anh dũng của Trần Văn Ơn, không ai rủ ai – họ đã viếng thăm mộ của anh trong sự trang nghiêm và tôn kính.

Học sinh – sinh viên trong các phong trào cứu trợ: tháng 5/1955, trong cuộc đấu súng giữa lính Bình Xuyên và lính Diệm đã làm chết hơn 4.000 dân thường, làm 11.000 người khác bị thương, đốt cháy 27.860 ngôi nhà, làm cho hơn 20 vạn người rơi vào cảnh màn trời chiếu đất. Đứng trước tình hình đó, Đảng chỉ đạo thành lập phong trào cứu tế bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, đòi địch phải đền bù thiệt hại. Phong trào nhanh chóng phát triển trong các khu, xóm, xí nghiệp, trường học… với sự tham gia đông đảo học sinh – sinh viên, do GS. Lê Văn Thả làm trưởng “Ban cứu trợ nạn nhân chiến cuộc”. Phong trào kết thúc bằng một cuộc mittinh lớn và chuyển thành biểu tình đòi hiệp thương thống nhất đất nước.

Phong trào đấu tranh của học sinh – sinh viên Sài Gòn – Gia Định trong những năm chống chiến lược “chiến tranh đặc biệt” 1961 – 1965

Tình hình chung của phong trào học sinh – sinh viên từ năm 1961 đã có những bước chuyển biến quan trọng. Ngày 26/3/1961, Đội Vũ trang quyết tử học sinh – sinh viên được thành lập, do đồng chí Lê Hồng Tư phụ trách. Đội đã đánh trận đầu tiên bằng một trai lựu đạn ném vào xe chở chuyên viên không quân cao cấp của Mỹ là William Thomas ở ngã tư Ngô Thời Nhiệm và Trương Minh Giảng – gây tiếng vang lớn.

Cuối năm 1962 đầu năm 1963, Mỹ - Diệm khủng bố lực lượng giáo chức, học sinh – sinh viên, nhiều đồng chí cán bộ, nhiều anh chị em học sinh – sinh viên bị chúng bắt như Huỳnh Ngọc Anh, Lê Văn Thới, Nguyễn Văn Hợi… điều này gây nhiều bất bình trong giới giáo chức cũng như học sinh – sinh viên Sài Gòn nói riêng và cả nước nói chung.

Năm sau, kế hoạch Stalây – Taylor bình định miền Nam trong vòng 18 tháng của Mỹ - Diệm bị thất bại, để trả thù, chúng lao vào cuộc đàn áp Phật giáo nhưng đã gặp sự chống trả rất quyết liệt của giới Phật tử và sự ủng hộ của đồng bào cả nước. Hưởng ứng chủ trương của “Ủy ban Thanh niên Học sinh – Sinh viên chống độc tài phát xít” theo sự chỉ đạo của “Ủy ban Chỉ đạo Liên trường Công tư Sài Gòn – Gia Định” đông đảo học sinh – sinh viên khắp các trường ở Sài Hòn tổ chức bãi khóa, xuống đường cùng với các tầng lớp nhân dân khác phản đối đàn áp tôn giáo.

Ngày 7/7/1963, các cuộc bãi khóa đã nổ ra ở các trường trung học: Gia Long, Petrus Ký, Trưng Vương, Võ Trường Toản, Chu Văn An, Marie Curie… để chống đàn áp Phật giáo và sinh viên, đòi thả những người bị bắt trước đó. Diệm đã cho cảnh sát tấn công vào các trường, bắt 2.400 học sinh, trong đó có 600 nữ sinh.

Nhằm răn đe học sinh – sinh viên không dính líu đến việc chính trị, Diệm cho quân lính nổ súng tấn công vào các trường đại học trên địa bàn Sài Gòn – Gia Định, sau đó, chúng lại tấn công vào các trường trung học, ngày 24/8/1963, học sinh – sinh viên phối hợp với công nhân thành phố tổ chức đình công, bãi khóa, mittinh, biểu tình khắp các nơi trong thành phố: trên trục đường Hai Bà Trưng, trước Sở thú, trước Nha Giám tiểu học, ở trường Diên Hồng, Gia Long… Mỹ - Diệm kéo quân đến đàn áp cuộc biểu tình nhưng phong trào vẫn tiếp tục lan rộng. Hôm sau, ngày 25/8/1963, hơn 5.000 học sinh – sinh viên Sài Gòn – Gia Định biểu tình trước chợ Bến Thành, địch đã sát hại Quách Thị Trang – nữ sinh trường Trường Sơn – và đám tang của chị đã nhanh chóng biến thành cuộc biểu tình thị uy của đông đảo nhân dân thành phố.

Ngày7/6/1964, học sinh – sinh viên đập nát tượng Tổng thống Mỹ Kennedy – dựng ở Quảng trường Hòa Bình. Ngày 2/8/1964, 4.000 học sinh – sinh viên mở cuộc hội thảo vạch trần bộ mặt độc tài phát xít và vây dinh Nguyễn Khánh. Ngày 23/8/1964, sau khi hội thảo ở trường Đại học Y khoa, học sinh – sinh viên tay trong tay kéo nhau đến Đài phát thanh phản đối bài viết xuyên tạc phong trào đấu tranh của học sinh – sinh viên. Ngày 24/8, trên 400 học sinh – sinh viên họp tại trường Đại học Luật kéo đến Bộ Thông tin đòi tự do báo chí và loan tin đấu tranh của học sinh – sinh viên đi khắp các tỉnh, thành trong cả nước.

Hàng vạn học sinh các trường: Hồng Lạc, Văn Lang, Cao Thắng… bãi khóa, chiếm trường làm ổ chiến đấu. Các đoàn biểu tình đã đốt xe Mỹ, dùng gạch đá, gậy gộc chiến đấu với cảnh sát dã chiến. Đồng bào cùng học sinh – sinh viên lăn ống cống, lấy xe cũ lăn ra đường làm chướng ngại vật ngăn chặn đoàn xe Mỹ. Trần Văn Hương ra lệnh đàn áp dã man, học sinh các trường khác kéo đến giải vây, chuyển thành cuộc biểu tình kéo đến đường Trần Quốc Toản xô xát với cảnh sát dã chiến, học sinh Lê Văn Ngọc bị bắn chết (25/11/1964). Ba ngày sau, 20.000 học sinh nhiều trường bãi khóa xuống đường, địch bắn chết học sinh Loan ở trường Gia Long. Ngày 29/11/1964, trên 10.000 người với rừng biểu ngữ tố cáo ngụy quyền xuất hiện trong đám tang của Lê Văn Ngọc, địch không dám đàn áp ở nội thành.

Nhân ngày truyền thống 9/1, kỷ niệm 15 năm ngày Trần Văn Ơn hy sinh và 4 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Thanh niên Giải phóng miền Nam Việt Nam và Hội Liên hiệp Học sinh – Isnh viên Giải phóng, Tổng đoàn Học sinh tổ chức lễ kỷ niệm và ôn lại truyền thống đấu tranh đầy vẻ vang và tự hào của học sinh – sinh viên trong những năm qua, đấu tranh buộc Bộ Giáo dục ngụy phải thừa nhận ngày kỷ niệm đó.

Với truyền thống “Bầu ơi thương lấy bí cùng” học sinh – sinh viên Sài Gòn – Gia Định còn tham gia vào các cuộc lạc quyên cứu trợ đồng bào bị lũ lụt ở miền Trung năm 1964 và miền Tây Nam Bộ năm 1965, cử các đoàn đại biểu đem quần áo, thuốc men, lương thực đến các nơi bị nạn phân phối, thăm hỏi, an ủi và động viên, giúp đỡ đồng bào dựng lại nhà cửa, dọn dẹp vệ sinh. Những hoạt động xã hội ấy có tác dụng hun đúc lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, tinh thần mình vì mọi người trong cuộc sống.

Học sinh – sinh viên Sài Gòn – Gia Dinh góp phần đánh bại chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ 1965 – 1968

Bị thất bại nặng nề trong chiến lược “chiến tranh cục bộ” và để cứu nguy cho bọn tay sai và duy trì ách thống trị thực dân, ngày 25/7/1965, Johnson ký sắc lệnh tăng số quân Mỹ và quân các nước chư hầu: Nam Triều Tiên, Thái Lan, Úc, Philippin, Tân Tây Lan vào chiến trường miền Nam nhằm leo thang chiến tranh kết hợp tiến hành chiến tranh phá hoại bằng không quân ở Bắc Việt Nam.

Với sự xuất hiện của đội quân Mỹ và chư hầu “nếp sống ngoại lai” cũng từ đó nảy sinh, hiện tượng xì ke, ma túy, nạn cao bồi, gái điếm… phát triển mạnh mẽ từ ngày quân viễn chinh Mỹ đổ vào miền Nam. Về giáo dục thì Mỹ cử các đoàn cố vấn giáo dục sang Sài Gòn nhằm cải cách nội dung giáo dục theo phương hướng của Mỹ, tìm cách đưa những người thân Mỹ vào nắm giữ các trường đại học, ngoài ra, chúng còn đẩy mạnh việc bắt lính và quân sự hóa học đường.

Đối với phong trào thanh niên, học sinh – sinh viên, Khu ủy Sài Gòn – Gia Định chủ trương dồn sức hoạt động công khai, nửa công khai chống đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai, đẩy mạnh phong trào hòa bình và phong trào dân tộc tự quyết. Khu ủy Sài Gòn – Gia Định vạch rõ nhiệm vụ cho học sinh – sinh viên phải tập trung vào ba nhiệm vụ: 1. Giương cao ngọn cờ đấu tranh chính trị công khai, tập hợp đông đảo quần chúng; 2. Đi sâu vào các phường, khóm, xí nghiệp, trường học… phát động quần chúng đứng lên giành chính quyền; 3. Thành lập các đội vũ trang trừng trị bọn phản động, ác ôn, phá kềm kẹp, bảo vệ thành quả cách mạng.

Phong trào đấu tranh đòi chuyển ngữ Việt và sinh viên tự trị ở bậc đại học: với khẩu hiệu “dân tộc việt học tiếng Việt”, 500 sinh viên thuộc Đại học Y khoa hội thảo phản đối chủ trương dạy bằng tiếng ngoại quốc. Phong trào được sự hướng ứng của nhiều sinh viên các trường đại học khác trên địa bàn thành phố như: Đại học Sư phạm, Đại học Khoa học, Đại học Nông Lâm súc. Khoảng giữa năm 1967, các trường đại học ở Sài Gòn – Gia Định đã đưa tiếng Việt làm ngôn ngữ chính trong việc giảng dạy.

Tháng 8/1967, Đại hội Sinh viên Sài Gòn đòi tự trị ở bậc đại học ra mắt với khoảng 2.500 sinh viên và nhiều nhà giáo, ký giả, nhà văn đến dự. Đại hội bầu Ban chấp hành Trung ương và ra tuyên ngôn chủ trương một nền đại học tiến bộ, chống việc can thiệp của ngụy quyền vào các trường đại học. Mục đích nhằm thống nhất hành động trong sinh viên, chống lại mọi hình thức can thiệp của ngụy quyền vào các khuôn viên đại học, hỗ trợ cho phong trào đòi chuyển ngữ Việt ở bậc đại học và các phong trào khác.

Đấu tranh chống bắt lính và quân sự hóa học đường: sinh viên các trường Đại học Sư phạm, Đại học Khoa học Sài Gòn tổ chức hội thảo phản đối luật động viên số 04/67 của Nguyễn Văn Thiệu – gọi đó là một sắc lệnh tàn nhẫn. Sau đợt Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân, Mỹ - ngụy ban hành luật tổng động viên số 3/68 nhằm thành lập “Sư đoàn sinh viên bảo vệ thủ đô” buộc sinh viên hàng ngày phải đi tập luyện và canh gác. Là một tầng lớp nhạy bén với thời cuộc, sinh viên thành lập ngay “Ủy ban chống quân sự hóa học đường” – không nghe lời huấn luyện viên, kêu gọi sinh viên quay súng lại bắn vào chúng, nổ pháo gây rối loạn, làm mất trật tự trong các buổi tập. Trước sức đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng và sinh viên các trường, địch buộc phải giải tán sư đoàn này nhưng bắt sinh viên một tuần tập quân sự một ngày.

Học sinh – sinh viên với phong trào văn nghệ (hay “tiếng hát những người đi tới”): Trong điều kiện đất nước bị ngoại lai xâm lấn thì những phong trào văn nghệ dân tộc có tác dụng không nhỏ trong việc truyền đạt tinh thần yêu nước vào tâm khảm của mỗi người. Phong trào văn nghệ dân tộc phát triển sâu rộng trong các trường phổ thông và đại học. Với những làn điệu dân ca, nhạc cụ và trang phục truyền thống của dân tộc đã trở thành sức mạnh tinh thần để chống lại những ca khúc, những vũ điệu “cháy bỏng, khêu gợi, thác loạn” của ngoại bang. Các buổi trình diễn văn nghệ dân tộc của “Đoàn Văn nghệ sinh viên Sài Gòn” toát lên sức chiến đấu với ngọn lửa yêu nước, thương dân nồng nàn, thu hút đông đảo mọi tầng lớp, giai cấp trong xã hội, không những có tiếng vang trong chốn học đường mà còn được dư luận quần chúng ủng hộ rộng rãi. Phong trào văn nghệ quần chúng vừa đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của thanh thiếu niên, học sinh sinh viên, vừa phục vụ công tác tập hợp quần chúng để thông báo cho nhau những tin tức, thời sự và diễn biến tình hình chiến cuộc của đất nước.

Phong trào báo chí, thơ ca đấu tranh của học sinh sinh viên có những bước phát triển mới. Nhiều trường học ra nội san như tờ “Nhân bản” của trường Đại học Sư phạm, “Sinh viên” của Tổng Hội Sinh viên Sài Gòn, “Suối thép”, “Lửa thiêng”… với những bài thơ sử ca, những tập thơ và kịch thơ như “Ải Chi Lăng”, “Gò Đống Đa”, “Hội nghị Diên Hồng”, “Đêm Mê Linh”, “Tiếng hát những người đi tới”, “Hát từ đồng hoang”, “Mặt trời Hồng”, “Tiếng gọi Lam Sơn”… những khúc nhạc yêu nước: Lên đàng, Du kích sông Thao, Khúc khải hoàn… đã góp phần đấu tranh khơi dậy lòng yêu nước, ngăn chặn, đẩy lùi những làn sóng văn hóa thực dân mới và nói lên tiếng nói chính thực của học sinh – sinh viên.

Góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc: mục tiêu chống Mỹ và đòi lật đổ Thiệu _ Kỳ đã trở thành nội dung nổi bật của phong trào đấu tranh chính trị ở đô thị trong giai đoạn này. Ngày 31/3/1966, học sinh – sinh viên tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và đem hình nộm Thiệu – Kỳ ra pháp trường cát ở chợ Bến Thành thiêu nhân ngày Quốc tế Lao động 1/5/1966 bất chấp lực lượng cảnh sát, mật vụ và cả quân Mỹ bố trí dày đặt, trên các nẻo đường hàng vạn nhân dân thành phố gồm công nhân, học sinh – sinh viên, giáo chức, nông dân ngoại thành đã xuống đường tuần hành với khẩu hiệu “người Mỹ không can thiệp vào công việc nội bộ của người Việt Nam”, “chấm dứt rải chất độc tàn phá nông thôn”, “phản đối đàn áp biểu tình”… và hô vang các khẩu hiệu “Đả đảo đế quốc Mỹ”, “quân Mỹ cút đi”… cũng trong tháng 6/1966, Liên viện Đại học Sài Gòn – Vạn Hạnh – Cần Thơ – D(à Lạt công bố thư gởi đồng bào, gởi Tổng thống Mỹ Johnson, gởi Thư ký Liên Hiệp Quốc U Than đòi hòa bình, đòi Mỹ rút quân ra khỏi lãnh thổ Việt Nam “Mỹ là nguồn gốc mọi tai họa của nhân dân Việt Nam”, tổ chức đêm văn nghệ mừng Tết Quang Trung của 21 phân khoa đại học và 53 trường trung học.

Nhân Lễ Phật đản, ngày 5/5/1966 tại Viện Hóa đạo, học sinh – sinh viên cắm băng giấy trên xe Mỹ và đốt cháy, để lại dòng chữ “Đây là kết quả 13 năm viện trợ của Mỹ”, khẩu hiệu đòi “Thiệu – Kỳ phải từ chức” đã trở thành khẩu hiệu hành động qua các cuộc đấu tranh xuống đường. Cuộc đấu tranh chống bầu cử gian lận ngày 3/9/1967 có sự thống nhất hành động của sinh viên các trường đại học ở Sài Gòn, Vạn Hạnh, Cần Thơ qua sự chỉ đạo của Hội đồng Sinh viên Liên Viện, học sinh thành lập “Lực lượng học sinh chống bầu cử gian lận”, gọi cuộc bầu cử hôm đó là “một trò hề được dựng lên bởi bàn tay của Mỹ” và kêu gọi mọi người phủ nhận kết quả của cuộc bầu cử.

Học sinh – sinh viên tham gia trong đợt Mậu Thân 1968: trong những ngày cuối năm 1967, học sinh – sinh viên trong vòng 5 ngày đánh hàng chục trận ở nội cũng như ngoại thành. Ngoài ra, còn tuyên truyền xung phong, phát loa kêu gọi thanh niên không đi lính ngụy, đọc thư chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, rải truyền đơn, biểu diễn ráp lựu đạn, cắm cờ Mặt trận trên nóc các trường đại học.

Đêm 30/1/1968, khi tiếng súng của quân Giải phóng vang dội trên khắp các chiến trường miền Nam, ngay lập tực thanh niên, học sinh sinh vie6nc ầm súng sát cánh cùng quân Giải phóng chiến đấu trừng trị kẻ thù chung, giành giật từng ngôi nhà, từng góc phố với địch. Học sinh sinh viên cùng với các thầy cô của mình phát loa đi vào các xóm lao động để tuyên truyền vũ trang, vận động đồng bào ủng hộ Mặt trận Giải phóng, ủng hộ bộ đội Cụ Hồ, kêu gọi cảnh sát và lính ngụy quay về với gia đình, với nhân dân. Kết thúc đợt tấn công lần 1, học sinh – sinh viên thành lập “Ủy ban Cứu trợ nạn nhân trong chiến tranh” tập hợp được 500 người tham gia đến các trường Chu Văn An, Mạc Đỉnh Chi… Mậu Thân bước vào đợt 2, học sinh – sinh viên vẫn tiếp tục hăng hái trên các mặt trận chiến đấu, cùng tham gia vào các phong trào như diệt ác ôn, rải truyền đơn, treo cờ, gài mìn giả…

Thắng lợi trong đợt Mậu Thân đã chứng minh: quân và dân ta có khả năng chiến thắng đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai; tạo ra một sự tương quan lực lượng có lợi cho ta, khiến đế quốc Mỹ từ đỉnh cao của chiến lược “chiến tranh cục bộ” phải từng bước xuống thang chiến tranh và chuyển sang một chiến lược khác – chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”.

Phong trào văn nghệ, viết báo công khai: phong trào văn nghệ, báo chí của giáo chức, học sinh – sinh viên với nhiều ca khúc, nhiều vở kịch, tập thơ mang nội dung yêu nước, giàu tính nhân văn và cách mạng, phản ánh nguyện vọng tha thiết của nhân dân, mong muốn hòa bình, mơ ước một “thế giới không có chiến tranh”. Phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” kết hợp với những đêm văn nghệ đậm đà tính dân tộc, những cuộc triển lãm tội ác của đế quốc Mỹ, những tuần lễ “mặc áo dài Việt Nam”, những buổi thuyết giảng về nền văn hóa dân tộc… đã gây được những cảm xúc lớn, đưa luồng sinh khí mới tác động mạnh mẽ và kêu gọi tinh thần dân tộc, lòng yêu nước trong công chúng.

Đấu tranh chống bắt lính, quân sự hóa và bình định học đường: “sư đoàn sinh viên bảo vệ thủ đô” bị giải tán nhưng ngụy quyền bắt sinh viên mỗi tuần phải đi tập quân sự một ngày, do đó hầu hết các phân khoa đại học thành lập Ủy ban đấu tranh chống quân sự hóa học đường. Sinh viên các trường đại học đấu tranh với nhiều hình thức như tổ chức mittinh, kiến nghị, phá hoại các phòng tập quân sự hay cử đại diện đến đấu tranh trực diện với ngụy quyền, nêu cao các khẩu hiệu “Chương trình huấn luyện quân sự học đường là âm mưu khát máu của đế quốc Mỹ”, đòi “Mỹ cút, Thiệu nhào, quân sự học đường hẹp”. Trước làn sóng đấu tranh của các tầng lớp nhân dân và học sinh – sinh viên, Thiệu buộc phải nhượng bộ, hoãn lệnh động viên cho đến khi sinh viên ra trường.

Học sinh – sinh viên tham gia trong các hoạt động vũ trang bảo vệ thành phố: nhiều học sinh – sinh viên tham gia trong các đội vũ trang của Thành đoàn đánh Mỹ ở bất cứ nơi đâu và bước đầu đã đem về những thành tích rất đáng tự hào như trong Đông Xuân 1968 – 1969 và Xuân Hè 1969, cùng phối hợp với Thành đoàn đã đánh sập cư xá Mỹ ở đường Nguyễn Minh Chiếu, gài mìn tự động tại bùng binh chợ Bến Thành, đánh trạm biến thế điện và nhiều trạm xăng địch, đánh cư xá Mỹ ở đường Chi Lăng, đánh lầu 3 cư xá của lính đánh thuê Thái Lan… Tổng kết hoạt động vũ trang trong đợt này, học sinh – sinh viên và lực lượng thanh niên đã đánh 4 đợt, mỗi đợt khoảng 50 vụ, diệt 300 tên Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan và bọn ngụy quân.

Nếu tính từ tháng 12/1970 đến tháng 10/1971, học sinh – sinh viên cùng với đồng bào thành phố đã đốt cháy 136 chiếc xe, đánh chết và làm bị thương 17 tên Mỹ, 6 lính Nam Triều Tiên, 8 cảnh sát dã chiến ngụy, đốt cháy 1 thư viện Mỹ, thậm chí còn tấn công và đốt cháy cổng trước của dinh đại sứ Mỹ Bunker.

Học sinh – sinh viên trong chiến dịch Hồ Chí Minh: trước ngày Tổng tiến công và nổi dậy, Thành đoàn thành lập 5 chi bộ dự bị và 5 chi đoàn, mỗi chi đoàn chỉ đạo một trung đội tự vệ gồm đông đảo thanh niên, công nhân lao động, học sinh – sinh viên ở Bàn Cờ, Vườn Chuối, Phú Nhuận, Bảy Hiền, Tân Sơn Nhất… với mục đích là dẫn đường cho những cánh quân chủ lực vào thành phố.

Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc thắng lợi, lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, chính phủ Dương Văn Minh đầu hàng không điều kiện trước sự chứng kiến của hàng triệu bộ đội Cụ Hồ và đông đảo đồng bào thành phố. Trong những ngày tiếp quản, học sinh – sinh viên cùng với đông đảo nhân dân lao động thành phố cùng nhau làm nhiệm vụ điều hành trật tự lưu thông và làm tổng vệ sinh trong nội thành, nhờ thế mà tình trạng cướp bóc, hỗn loạn không xảy ra như những thành thị khác ở miền Nam. Còn ở nhiều trường thì các ban giám hiệu cùng với học sinh tham gia quản lý trường lớp sạch sẽ, không bị hư hao mất mát.

Ngày30/4/1975, đánh dấu một bước ngoặc rất lớn trong lịch sử dân tộc. Với một nước đất không rộng người không đông nhưng đã chiến đấu và chiến thắng một kẻ thù “sen đầm quốc tế” đó là đế quốc Mỹ. Từ đây, Tổ quốc Việt Nam bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn cùng cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Phong trào đấu tranh dân chủ của giáo chức, học sinh – sinh viên đã góp phần làm thất bại âm mưu thâm độc của Mỹ trong việc áp đặt nền giáo dục thực dân mới phản động vào miền Nam Việt Nam.

Từ ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã có những bước chuyển mình đột phá trong việc phát triển kinh tế cũng như trong lĩnh vực giáo dục văn hóa. Từ “những pháo đài bất khả chiến bại” trong thời kỳ kháng Mỹ, nay đã trở thành nơi nuôi dưỡng bao ước mơ, những “chồi xanh”, những thiên tài của thế hệ Hồ Chí Minh – người chủ tương lai của đất nước.

Hơn ba mươi năm sau chiến tranh, những đau khổ, mất mát, hy sinh đã dần lùi vào quá khứ nhưng những con đường, những góc phố, những hàng ca6h, những mái trường… như vẫn còn in đậm nét trong chiến tích hào hùng của dân tộc – trong đó có một phần đóng góp không nhỏ của học sinh – sinh viên. Thế hệ trẻ với quyết tâm xây dựng đất nước ngày càng phát triển và giàu đẹp hơn. Để đạt được điều đó, đòi hỏi tuổi trẻ chúng ta phải không ngừng nâng cao trình độ hiểu biết, trao dồi kinh nghiệm, không ngừng học tập phấn đấu tiến lên, phải xây dựng một con người mới – con người xã hội chủ nghĩa.

Nguyễn Duy Trường – GV Khoa LLCT

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết

 
  • Free forum | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Cookies | Thảo luận mới nhất